Gỗ công nghiệp là gì (Chi tiết) MDF, MFC, HDF…trong nội thất

Hiện nay gỗ công nghiệp được ứng dụng rất nhiều trong thiết kế nội thất và sản xuất đồ gỗ. Rất nhiều khách hàng vẫn chưa phân biệt được gỗ công nghiệp là gì?, gỗ MDF, gỗ HDF hay gỗ MFC khác nhau như thế nào? Ưu nhược điểm của từng loại. Bài viết này Nhadepso sẽ giải thích chi tiết về gỗ công nghiệp một cách đầy đủ và cơ bản nhất.

Gỗ công nghiệp là gì

Gỗ công nghiệp (Wood – Based Panel) là loại gỗ sử dụng keo hay hóa chất kết hợp với gỗ vụn để làm thành tấm gỗ lớn. Gỗ công nghiệp thường được làm từ các nguyên liệu gỗ thừa, hoặc tận dụng ngọn cành của cây gỗ tự nhiên.

các loại gỗ công nghiệp

Cấu tạo gỗ công nghiệp có 2 thành phần cơ bản, đó là:

  1. Cốt gỗ công nghiệp
  2. Lớp bề mặt gỗ công nghiệp

Các loại cốt gỗ công nghiệp

Có 6 loại cốt gỗ công nghiệp hiện nay thông dụng trên thị trường bao gồm:

  1. Gỗ dán (Plywood)
  2. Gỗ ván dăm (OKAL)
  3. Gỗ MFC
  4. Gỗ MDF
  5. Gỗ HDF
  6. Gỗ ghép

1. Gỗ Plywood

Gỗ công nghiệp plywood

– Cấu tạo: Nhiều lớp gỗ mỏng ép chồng vuông góc với nhau bằng keo chuyên dụng, được ép dưới nhiệt độ và áp suất cao.

– Tính chất: Không bị nứt, không co ngót, ít mối mọt, chịu lực cao. Bề mặt ván thường không phẳng nhẵn. Có 2 loại: gỗ dán thường và gỗ dán phủ phim chịu nước.

– Ứng dụng: Gia công phần thô sản phẩm nội thất gia đình, văn phòng, sử dụng trong nghành quảng cáo biển hiệu, làm lõi cho bề mặt veneer. Loại chịu nước được sử dụng làm copha, gia cố ngoài trời…

2. Gỗ ván dăm (OKAL)

Gỗ công nghiệp ván dăm okal

– Cấu tạo: Dăm gỗ tự nhiên trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường theo quy cách.

– Tính chất: Không co ngót, ít mối mọt, chịu lực vừa phải. Bề mặt ván có độ phẳng tương đối cao. Cạnh gỗ thường rất dễ bị sứt mẻ khi cưa. Loại thường chịu ẩm tương đối kém. Loại chịu ẩm thường có lõi màu xanh.

– Ứng dụng: Ván dăm dùng trong gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, làm cốt để phủ PVC, sơn các loại.

3. Gỗ MFC (Melamine Faced Chipboard)

Gỗ công nghiệp MFC

– Cấu tạo: Ván gỗ dăm phủ lớp nhựa Melamine lên bề mặt.

– Tính chất: Bề mặt chống chầy xước, chịu nhiệt tương đối tốt. Phủ Melamine 1 mặt và 2 mặt. Loại chống ẩm thường có lõi gỗ màu xanh.

– Ứng dụng: Gia công đồ nội thất, đặc biệt là nội thất văn phòng. Nhược điểm là hạn chế trong tạo dáng sản phẩm, xử lý cạnh và ghép nối. Cạnh chủ yếu hoàn thiện bằng nẹp nhựa sử dụng máy dán cạnh chuyên dụng.

4. Gỗ MDF (Medium Density Fiberboar)

Gỗ công nghiệp MDF

– Cấu tạo: Gỗ tự nhiên loại thường, nghiền mịn, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường theo qui cách.

– Tính chất: Không nứt, không co ngót, ít mối mọt, tương đối mềm, chịu lực yếu, dễ gia công. Bề mặt có độ phẳng mịn cao. Loại chịu ẩm thường có lõi màu xanh lá hơi lá cây

– Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt cho phủ lớp bề mặt Melamin, Laminate, Acrylic, Veneer…các loại sơn.

5. Gỗ HDF (High Density Fiberboar)

Gỗ công nghiệp HDF

– Cấu tạo: Gỗ tự nhiên loại thường, nghiền mịn, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường với độ ép rất cao.

– Tính chất: Không nứt, không co ngót, rất cứng, chịu nhiệt khá tốt.

– Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất cao cấp, làm cốt ván sàn gỗ công nghiệp …

6. Gỗ ghép

Gỗ công nghiệp gỗ ghép

– Cấu tạo: Những thanh gỗ nhỏ ( thường gỗ cao su, gỗ thông, gỗ xoan, gỗ keo, gỗ quế, gỗ trẩu) sử dụng công nghệ ghép lại với nhau thành tấm

– Tính chất: Rất gần với các đặc điểm của gỗ tự nhiên

– Ứng dụng: Sản xuất đồ nội thất gia đình và văn phòng. Làm cốt cho phủ lớp bề mặt Veneer…các loại sơn.

Các loại bề mặt gỗ công nghiệp

Để gỗ công nghiệp có được độ bền và tính thẩm mỹ cao, người ta phủ hoặc dán lên cốt gỗ một loại bề mặt gỗ công nghiệp phù hợp. Có 6 loại bề mặt được ưa chuộng hiện nay là:

1. Bề mặt gỗ công nghiệp: Melamine

Bề mặt Melamine là một lớp giấy trang trí ( Decorative Paper) được phủ keo Melamine, có độ dày rất mỏng chỉ khoảng 0.4 – 1 rem. Được phủ lên cốt gỗ như: ván dăm, MFC, MDF bằng máy ép nhiệt. Sau khi hoàn thiện các tấm gỗ Melamine thông thường có kích thước 1220 x 2440mm, và độ dày 18mm và 25mm.

Gỗ công nghiệp bề mặt melamine

Bề mặt Melamine có ưu điểm nổi bật đó là màu sắc của bề mặt melamine rất tươi, đều màu, sáng màu. Melamine có vô số mẫu màu và họa tiết khác nhau. Ngoài ưu điểm đồng đều màu, Melamine còn có nhiều ưu điểm như chống xước tốt, chống mối mọt, cong vênh.

Ván MFC phủ melamine có giá thành phải chăng nên được ứng dụng rộng rãi trong nội thất gia đình, shop, khách sạn. Đặc biệt ứng dụng nhiều trong thiết kế văn phòng, sản phẩm nội thất công sở như bàn, tủ, hộc văn phòng làm việc, các hệ tủ áo, giường…Tuy nhiên nhược điểm của MFC Melamine là chịu nước rất kém nên ít khi được sử dụng cho các sản phẩm có dính đến nước.

2. Bề mặt gỗ công nghiệp: Laminate

Laminate là bề mặt nhựa tổng hợp, có độ dày hơn Melamine rất nhiều, độ dày của laminate thông thường là 0.7 – 0.8mm (do đó có thể phân biệt Laminate và Melamine qua độ dày). Bề mặt Laminate chủ yếu được phủ lên các cốt gỗ Ván dán (Okal), Ván mịn (MDF). Ngoài ra Laminate cũng có thể dán vào gỗ uốn cong giúp sản phẩm đẹp và độc đáo hơn.

Bề mặt gỗ công nghiệp Laminate

Laminate có nhiều ưu điểm nổi trội hơn Melamine, và bền hơn Melamine vì có độ dày nhiều hơn. Màu sắc của bề mặt laminate cũng rất đa dạng và phong phú.

Laminate ứng dụng rộng rãi trong nội thất nhà ở, thiết kế nội thất chung cư, nhà phố, shop, cửa hàng, văn phòng…sử dụng làm các loại mặt bàn, mặt ghế, tủ, hộc.. Laminate còn được sử dụng vào làm các hệ tủ bếp, ốp tường gia đình, phòng họp, phòng hội trường…

3. Bề mặt gỗ công nghiệp: Veneer

Veneer là lớp gỗ tự nhiên được lạng mỏng, thành những tấm dày từ 0.3mm > 0.6mm để dán lên cốt gỗ công nghiệp. Độ rộng tuỳ theo loại gỗ trung bình khoảng 180mm, dài khoảng 240mm. Cốt gỗ thường dùng là MDF, MFC, gỗ ghép, gỗ dăm, gỗ dán.

Bề mặt gỗ công nghiệp Veneer

Veneer có nhiều ưu điểm như: dễ thi công, chi phí thấp hơn so với gỗ tự nhiên, có thể uốn cong theo ý đồ thiết kế.

Tuy nhiên bề mặt veneer là gỗ tự nhiên nên không chịu được nhiệt. Sau thời gian sử dụng có thể bị mối mọt, hoặc cong vênh tùy vào điều kiện môi trường sử dụng

Gỗ Veneer được ứng dụng chủ yếu để làm sản phẩm nội thất gỗ ở những nơi ít tiếp xúc với nước như vách trang trí, cửa, tủ bếp trên, tủ quần áo, tủ âm tường,…

4. Bề mặt gỗ công nghiệp: Acrylic

Acrylic là loại vật liệu nhựa tổng hợp được tinh chế từ dầu mỏ tạo nên bề mặt sáng bóng và phẳng mịn có tính thẩm mỹ cao. Bề mặt bóng gương hoàn hảo của Acrylic, giúp cho không gian nội thất trở nên hiện đại, rộng rãi và sang trọng hơn.

Bề mặt gỗ công nghiệp Acrylic

Acrylic có những ưu điểm như: Màu sắc phong phú, nhẹ, dễ lau chùi, có thể đánh bay được các vết xước nhẹ, chống ẩm cao

Tuy nhiên nhược điểm khi sử dụng Acrylic là giá thành cao, không sử dụng cho những chi tiết cầu kỳ trong nội thất cổ điển được.

Acrylic được sử dụng cho nhiều chi tiết từ đơn giản như kệ TV, tấm trang trí đến phức tạp như tủ bếp, tủ áo…

5. Bề mặt gỗ công nghiệp: Sơn PU

Sơn PU (Polyurethane) là loại sơn phủ lên bề mặt gỗ công nghiệp giúp tạo bề mặt phẳng mịn, bảo vệ cho gỗ tăng tính thẫm mỹ.

Bề mặt gỗ công nghiệp Sơn PU

Sơn PU có nhiều ưu điểm:

– Rất đa dạng màu sắc, tạo được nhiều hiệu ứng như sơn bóng hoặc mờ
– Bề mặt gỗ luôn sáng, sạch, dễ dàng lau chùi do bụi bẩn.
– Chịu được thời tiết, không phai màu
– Dễ dàng sơn lại khi sơn đã cũ

Tuy nhiên nhược điểm của sơn PU là thời gian thi công chậm, sơn khô lâu, kháng dung môi kém, và dễ trầy xước với loại sơn pu thường và khó trầy xước hơn với sơn PU 2K.

Sơn PU được sử dụng rộng rãi trong nội thất gỗ công nghiệp, trong nội thất nhà ở, nội thất văn phòng, khách sạn,…ứng dụng làm sản phẩm bàn, ghế, tủ, giường, kệ,…

6. Bề mặt gỗ công nghiệp: Sơn UV

Sơn UV là loại sơn sau khi sơn lên bề mặt gỗ sẽ khô (đóng rắn) thông qua tia UV (tia cực tím). Tấm UV có các màu đơn sắc (Solid) và cả các màu vân gỗ (Woodgrain).

Bề mặt gỗ công nghiệp Sơn UV

Sơn UV có nhiều ưu điểm nổi bật như: Bề mặt UV bóng mịn, đều, độ cứng cao, khó bị xước, chống va đập tốt hơn Acrylic, dễ thi công.

Tuy nhiên nhược điểm của sơn UV là giá thành cao, đòi hỏi phải có máy phát ra tia cực tím, là loại máy tân tiến có các ống đèn dạng tuýp.

Sơn UV là dòng sơn phù bề mặt gỗ công nghiệp mới xuất hiện gần đây, nên chưa được sử dụng rộng rãi, thường được ứng dụng trong các thiết kế biệt thự, nội thất cao cấp.

Ưu điểm của gỗ công nghiệp so với gỗ tự nhiên

– Giá thành rẻ: các loại gỗ công nghiệp trên mặt bằng chung đều rẻ hơn gỗ tự nhiên. Mức chênh lệch giá tùy thuộc từng loại gỗ khác nhau

– Không cong vênh: đặc điểm ưu việt của gỗ công nghiệp là không cong vênh, không co ngót. Nhờ đó có thể làm ván phẳng với nhiều nhiều màu sắc đa dạng, thích hợp với phong cách nội thất hiện đại, trẻ trung.

– Thời gian thi công sản xuất nhanh: Thời gian thi công nhanh hơn gỗ tự nhiên, có thể sản xuất hàng loạt vì phôi gỗ đã có sẵn, theo dạng tấm ván nên thợ chỉ việc cắt, ghép, dán.

Lời kết

Ngày nay khi mà gỗ tự nghiên ngày càng khan hiếm và giá thành cao, thì việc gỗ công nghiệp ra đời với nhiều ưu điểm để ứng dụng thay thế gỗ tự nhiên là một sự đột phá lớn trong lĩnh vực nội thất.

Hi vọng qua bài viết trên Nhadepso đã giúp bạn hiểu hơn về các loại gỗ công nghiệp thường được sử dụng trong các sản phẩm nội thất, cũng như giúp bạn nắm được các khái niệm, ưu điểm, nhược điểm, ứng dụng thực tế của chúng trong thi công nội thất.

(Tổng hợp)

Xem thêm:

Rate this post

Trả lời